Khi nhắc tới Haruki Murakami, người ta thường nhắc tới Rừng Na Uy. Nhưng Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời mới là cuốn làm mình xúc động nhất. Kiểu như, khi đọc trang sách cuối cùng, bị một cú hit cho choáng váng xây xẩm tối tăm mặt mày.
Murakami chắc là có tài làm cho người ta trầm cảm. Toàn những câu chuyện không có đúng sai, tình tiết bí ẩn khó chịu, đoạn kết thì ko happy ending cũng ko sad ending, mà đơn giản là ko có ending nào cả. Bạn sẽ đóng trang sách với muôn vàn câu hỏi, cảm xúc hỗn độn và vô cùng nhức nhối.
Mình nghĩ, cuốn này làm người ta không thể không rung động lẫn băn khoăn. Về ý nghĩa thật sự của tình yêu, sự tồn tại. Về hiện thực, ước mơ, ảo ảnh, trách nhiệm và mưu cầu hạnh phúc trong cuộc sống đầy rẫy những bất định này.

Bìa sách tiếng Anh, nhìn có vẻ đúng tinh thần bí ẩn và đam mê không lối thoát hơn
Câu chuyện
Hajime trầm lặng, nam tính và hấp dẫn như nhiều nhân vật trong truyện của Murakami.
Có 4 phụ nữ xuất hiện trong cuốn truyện, 3 người được gọi tên thì yêu anh, người còn lại không tên không tình yêu nên không có gì quan trọng. Anh yêu cả 3 cô này và phản bội 2 cô, người thứ 3 còn lại không biết là có tồn tại thật không nên phản bội hay ko thì ko quan trọng.
Cũng không lạ gì, có một số người luôn phản bội. Và, những người đấy, kì lạ là, lại làm cho người ta thích.
Izumi: Trong sáng – ngây thơ – yếu đuối – lạc lối
Izumi là người phụ nữ đầu tiên. Cô đẹp đẽ, trong sáng, và Hajime yêu cô. Thế nhưng, anh lại lên giường với chị họ của cô. Không gì có thể biện minh.
Rất lâu sau, anh mới biết cô ấy đã phát điên vì bị phản bội. Khi gặp lại, Izumi không còn nhận ra Hajime nữa. Cô chỉ còn nhìn đời bằng ánh mắt trống rỗng.
“Cô ấy làm bọn trẻ con sợ”.
Shimamoto-san: Bí ẩn – hấp dẫn, cứ như thần chết
Shimamoto-san, cái tên có kính ngữ, là người phụ nữ bí ẩn và anh chẳng hiểu gì về cô hết.
Trong câu chuyện giữa họ lúc thân mật nhất, cô nhắc đến căn bệnh Hysteria Siberiana. Đó là căn bệnh của những người Eskimo, ngày ngày làm ruộng và chỉ thấy đường chân trời, cả phía Đông lẫn phía Tây. Rồi một ngày người Eskimo đó vứt bỏ hết, cắm cúi đi về phía Tây mặt trời – gục chết.
Shimamoto-san cũng nhắc tới phía Nam biên giới của nước Mỹ là Mexico. Cô tưởng đáng lẽ ở phía Nam đó phải là cái gì đặc biệt hơn.
Mình không rõ Murakami định ẩn dụ điều gì. Có lẽ, ông ám chỉ người ta luôn tưởng cỏ ở phía bên kia đồi (phía Nam) là xanh hơn, và cuộc sống đều đều – cô đơn sẽ làm người ta phát điên. Tất cả điều người ta muốn làm là bỏ cuộc và gục ngã.
Shimamoto-san không chắc là một người có thật. Có thể cô của đoạn sau cuối chỉ tồn tại trong tâm tưởng của Hajime. Có thể anh ta bị thần kinh hoang tưởng. Shimamoto-san rất giống phía Tây mặt trời tuyệt vọng khiến anh ta khao khát, muốn gạt bỏ tất cả để đi theo rồi gục chết.
Yukiko: Hiện thực, thông minh – tinh tế và nhìn thấu
Yukiko là vợ của Hajime, có hai con với anh. Cô xuất thân gia đình giàu có, cô và bố cô là những người dễ chịu và cư xử khéo léo. Họ có một cuộc sống đầy đủ, viên mãn và thoải mái với nhau trước khi Hajime muốn từ bỏ gia đình để đi theo Shimamoto-san.
Trước khi anh ta không kềm chế và nói ra đã yêu người phụ nữ khác, trốn nhà bỏ đi với người đó, cô đã nhận ra rồi. Cô cũng cảm thấy bị tổn thương và đề nghị chia tay.
Có một tình tiết rất buồn cười mà khá đúng thực tế, là khi phản bội trong tâm tưởng, Hajime lại cáu kỉnh với Yukiko về một chuyện chẳng liên quan gì cả – chuyện cô đầu tư chứng khoán. Nghiêm túc như thật. Yukiko nhận ra luôn.
Phụ nữ có trực giác của mèo, người ta nói quả không sai.
Ở cuối truyện, cho dù họ nhận ra họ vẫn còn yêu nhau, nhận ra các trách nhiệm với con cái, cùng đề nghị hàn gắn… Thì điều đó có lẽ vẫn sẽ không xảy ra đâu.
Suy nghĩ của mình ấy à, đó là những người ngây thơ, yếu đuối thật đáng sợ. Yukiko trong lòng mình mới là người can đảm. Cô ấy sống không hối tiếc, cũng không quay đầu.
Cũng có người cảm thấy câu chuyện này là câu chuyện vinh danh cảm xúc. Như cái hình minh họa của Trạm đọc: “Những thứ có hình có dạng thì sẽ đều biến mất. Nhưng một vài cảm xúc sẽ còn ở đó với ta, mãi mãi”.

Ai mà biết được. Thế mới là Murakami.